Hoa và cây cảnh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện môi trường sống, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần mà còn là lĩnh vực nông nghiệp có tiềm năng kinh tế cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều bệnh hại quan trọng đối với nhóm cây này bao gồm các bệnh hại do nấm (như bệnh gỉ sắt/gỉ trắng hoa cúc, thối rễ cây hoa cúc, thối rễ cây tùng la hán, chết ngược/khô cành cây tùng la hán, chảy gôm/xì mủ cây hoa đào, cây tùng bách tán), vi khuẩn (bệnh thối nhũn gốc và lá cây lan hồ điệp, thối củ cây hoa lan huệ/cây hoa dơn,…), virus (đốm héo, sọc thân cây hoa cúc, khảm lá cây hoa lan huệ/hoa dơn,…) gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Việc quản lý bệnh hại không hiệu quả, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học cũng khiến môi trường bị ô nhiễm và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Để hướng tới phát triển bền vững, công tác quản lý bệnh hại hoa, cây cảnh cần được thực hiện theo hướng quản lý tổng hợp sức khỏe cây trồng (IPHM) theo Quyết định số 5416/QĐ-BNN-BVTV phê duyệt Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp đến năm 2030. Để sản xuất bền vững thì sức khỏe đất trồng hoa cũng cần được quan tâm và cải thiện thông qua hướng ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với hệ vi sinh vật có ích để tăng sức đề kháng cho cây và bảo vệ gây, giảm thiểu bệnh gây hại. Ngoài ra, các giải pháp truyền thống như: sử dụng giống sạch bệnh, đảm bảo điều kiện chăm sóc thích hợp, vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối và kết hợp với các biện pháp sinh học như sử dụng chế phẩm vi sinh, thiên địch, hoặc thảo mộc phòng trừ bệnh hại đã và đang được khuyến khích áp dụng. Hơn nữa, cần tăng cường đào tạo người sản xuất về kỹ năng nhận biết sớm bệnh hại, áp dụng công nghệ 4.0 trong giám sát, cảnh báo bệnh hại, và quản lý chuỗi cung ứng hoa, cây cảnh an toàn cũng đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, công nghệ 4.0 trong nông nghiệp đã và đang được ứng dụng rộng rãi, nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI). Trong những năm gần đây, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) đã bắt đầu được áp dụng mạnh mẽ trong việc quản lý bệnh hại hoa, cây cảnh. Các hệ thống giám sát, phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và các cảm biến thông minh giúp phát hiện sớm sự thay đổi trong môi trường, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa hoặc xử lý bệnh hại một cách kịp thời. Các công nghệ được sử dụng bao gồm: i) Cảm biến và hệ thống giám sát tự động: Các cảm biến thông minh được sử dụng để đo lường các chỉ số môi trường như độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, độ pH của đất, từ đó có thể theo dõi và phát hiện dấu hiệu bệnh hại từ sớm; ii) Ứng dụng AI và Big Data: Các thuật toán AI có thể phân tích dữ liệu từ các cảm biến, lịch sử bệnh hại và thông tin môi trường để đưa ra cảnh báo và khuyến nghị cho người trồng cây. AI cũng có thể dự đoán khả năng bùng phát của các bệnh và giúp nông dân lên kế hoạch xử lý; iii) Hệ thống nhận diện hình ảnh: Các ứng dụng AI có thể nhận diện bệnh qua hình ảnh cây trồng. Bằng cách chụp ảnh các triệu chứng bệnh và phân tích qua các thuật toán học máy, người trồng có thể xác định loại bệnh và phương pháp điều trị phù hợp. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp i) giám sát và phát hiện sớm bệnh hại: Hệ thống giám sát tự động giúp phát hiện các dấu hiệu bệnh ngay khi chúng mới bắt đầu xuất hiện, giúp ngừng dịch bệnh lây lan kịp thời; ii) Quản lý thông minh và tối ưu hóa tài nguyên: Công nghệ giúp tối ưu hóa các tài nguyên như nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường và iii) Cải thiện năng suất và chất lượng: Việc phát hiện bệnh sớm và quản lý môi trường tối ưu giúp cây trồng phát triển tốt hơn, từ đó tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Quản lý bệnh hại hoa, cây cảnh hiệu quả không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và hướng đến nền sản xuất hoa, cây cảnh an toàn, bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Một số hình ảnh bệnh hại hoa và cây cảnh
![]() |
Bệnh gỉ trắng trên cây hoa cúc, bệnh gây hại phổ biến ở các vùng trồng hoa cúc |
![]() |
Bệnh virus (Tospovirus) hại cây hoa cúc |
![]() |
Bệnh thối rễ cây hoa cúc |
![]() |
Bệnh khảm lá hoa dơn |
![]() |
Bệnh virus hại cây lan hồ điệp |
![]() |
Bệnh chết ngược/khô cành cây tùng la hán |
Nguyễn Thị Lan Hương
Bộ môn Bệnh cây-Khoa Nông học; Học viện Nông nghiệp Việt Nam